Giải quyết như thế nào với nhãn hiệu bị người khác đăng ký trước?

Câu hỏi:” Kính chào Bris law. Tôi có nhãn hiệu đã đăng ký ở nước ngoài, cũng có một thời gian dài tạo dựng nhãn hiệu. Hiện nay, tôi muốn mở rộng thị trường về Việt Nam và dự định đăng ký nhãn hiệu tại Cục sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, trong quá trình tra cứu sơ bộ, tôi phát hiện đã có một công ty khác đăng ký nhãn hiệu giống hệt nhãn hiệu của tôi cho cùng một loại sản phẩm. Tôi muốn hỏi Bris law là giải quyết như thế nào với nhãn hiệu bị người khác đăng ký trước như trường hợp của tôi? Mong nhận được phản hồi từ công ty. Tôi cảm ơn.”

Trả lời: Bris Law cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ trả lời vấn đề của bạn qua bài viết dưới đây.

1. Điều kiện bảo hộ của nhãn hiệu

Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2019 quy định tại Điều 72, nhãn hiệu được bảo hộ khi đáp ứng các điều kiện sau:

“1. Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc;

2. Có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác.”

Với tiêu chí có khả năng phân biệt:

Điểm g khoản 2 điều 74 Luật sở hữu trí tuệ quy định nhãn hiệu không có khả năng phân biệt là nhãn hiệu có “Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự từ trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên”.

Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên (tại điều 91) và nguyên tắc ưu tiên (Điều 92) khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chỉ ra rằng: Người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu có quyền yêu cầu hưởng quyền ưu tiên trên cơ sở đơn đầu tiên đăng ký bảo hộ cùng một đối tượng. Như vậy, theo nguyên tắc ưu tiên thì ai nộp trước thì được cấp trước.

2. Đối với trường hợp nhãn hiệu bị đăng ký trước thì giải quyết như thế nào?

a) Đối với nhãn hiệu chưa có quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Trường hợp này, bạn cho rằng nhãn hiệu của mình bị người khác đăng ký trước thì căn cứ vào quy định tại Điều 112 Luật này:

“Kể từ ngày đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp đến trước ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, bất kỳ người thứ ba nào cũng có quyền có ý kiến với cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp về việc cấp hoặc không cấp văn bằng bảo hộ đối với đơn đó. Ý kiến phải được lập thành văn bản kèm theo các tài liệu hoặc trích dẫn nguồn thông tin để chứng minh.”

Như vậy, với nhãn hiệu đã đăng ký trước, bạn có thể làm đơn phải đối việc cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu của người nộp đơn đến Cục sở hữu trí tuệ. Và bạn phải cung cấp bằng chứng xác đáng việc nhãn hiệu đó là của bạn và bạn đã đầu tư tài chính để phát triển nhãn hiệu đó. Một số tài liệu bạn cần chuẩn bị:

+ Thời điểm sử dụng nhãn hiệu là khi nào, có trước ngày người khác nộp đơn đăng ký không? Có sử dụng liên tục không?

+ Số lượng người biết và thừa nhận nhãn hiệu

+ Các tài liệu chứng minh chi phí quảng cáo, truyền thông, doanh thu, lợi nhuận của sản phẩm sử dụng nhãn hiệu (hoá đơn, chứng từ…)

b) Đối với nhãn hiệu đã được cấp giấy chứng nhận

Trong trường hợp này, nhãn hiệu đã thuộc sở hữu của người khác. Nếu như nhận thấy chủ sở hữu chỉ đăng ký mà không sử dụng, bạn có thể yêu cầu lên Cục sở hữu trí tuệ chấm dứt hiệu lực bảo hộ đối với nhãn hiệu. Căn cứ pháp lý tại điểm d khoản 1 Điều 95 Luật sở hữu trí tuệ.

Ngoài ra, bạn có thể thỏa thuận với chủ sở hữu mua lại nhãn hiệu dựa trên hợp đồng chuyển nhượng hoặc thuê sử dụng nhãn hiệu dựa trên hợp đồng sử dụng nhãn hiệu.

 

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về câu hỏi: “Giải quyết như thế nào với nhãn hiệu bị người khác đăng ký trước?”, hãy liên hệ với chúng tôi để được giải đáp chi tiết.

Địa chỉ: Hà Nội: Tầng 6, số 207 Nguyễn Ngọc Vũ, Phường Trung Hoà, Quận Cầu Giấy, Hà Nội

Số điện thoại: 096 551 9921

Email: info@brislaw.com

Website: brislaw.com và luatsohuutritue.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *