Khái niệm Nhãn hiệu nổi tiếng

Thuật ngữ “Nhãn hiệu nổi tiếng” được đề cập đến tại điều 6bis Công ước Paris (1967). Tuy nhiên, Công ước lại không đưa ra bất kỳ định nghĩa chính thức rõ ràng nào về “nhãn hiệu nổi tiếng”. Sau đó, thuật ngữ “nhãn hiệu nổi tiếng” tiếp tục được đề cập đến trong Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPs – Ký ngày 15.4.1994). Theo đó, vấn đề bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng nhìn chung được xây dựng dựa trên các nguyên tắc được ấn định bởi Công ước Paris với những sự thay đổi và bổ sung phù hợp.

Theo Hiệp định TRIPs, chế độ bảo hộ dành cho “nhãn hiệu nổi tiếng” không chỉ được sử dụng cho đối tượng là hàng hóa mà còn được sử dụng cho cả các đối tượng dịch vụ, và Hiệp định cũng ghi nhận một số căn cứ chung để xác định một nhãn hiệu có phải là nổi tiếng hay không như sau: Để xác định một nhãn hiệu hàng hoá có nổi tiếng hay không, phải xem xét danh tiếng của nhãn hiệu hàng hoá đó trong bộ phận công chúng có liên quan, kể cả danh tiếng tại nước Thành viên tương ứng đạt được nhờ hoạt động quảng cáo nhãn hiệu hàng hoá đó.

Ngoài ra, hiệp định cũng mở rộng phạm vi các nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ, bao gồm cả các nhãn hiệu được coi là rất nổi tiếng. Tuy nhiên, cũng giống như Công ước Paris, Hiệp định TRIPs cũng không đưa ra bất kỳ một định nghĩa chính thức nào về “nhãn hiệu nổi tiếng”.

Bên cạnh các điều ước quốc tế nói trên, thuật ngữ “nhãn hiệu nổi tiếng” cũng được đề cập đến trong các quy định về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng trong hệ thống pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới. Pháp luật của một số quốc gia đã định nghĩa “nhãn hiệu nổi tiếng” như sau:

–     Tại Trung Quốc, Bộ Quy tắc Công nhận và Bảo hộ Nhãn hiệu nổi tiếng (Bộ Quy tắc) đã định nghĩa nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được biết đến rộng rãi trong một bộ phận khách hàng thực tế và được coi là nổi tiếng trong bộ phận công chúng liên quan.

–    Theo quy định tại Điều §43 (15 U.S.C. §1125) (c) (2) Đạo Luật Nhãn hiệu hàng hóa Hoa Kỳ (hay còn gọi là “Đạo luật Lanham”), nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được nhận biết một cách rộng rãi bởi công chúng tiêu thụ chung của Hoa Kỳ như là một chỉ định/chỉ dẫn về nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa/dịch vụ dưới tên chủ sở hữu nhãn hiệu.

–      Theo Luật nhãn hiệu Ấn Độ năm 1999 thì: Một nhãn hiệu nổi tiếng có nghĩa là nhãn hiệu trở nên nổi tiếng trong một bộ phận đáng kể của công chúng sử dụng hàng hóa hay dịch vụ mang nhãn hiệu mà sự sử dụng nhãn hiệu như thế cho các hàng hóa hay dịch vụ khác sẽ có nguy cơ tạo ra một sự kết nối trong lĩnh vực thương mại giữa những hàng hóa hay dịch vụ đó với chủ thể sử dụng nhãn hiệu cho hàng hóa hay dịch vụ được đề cập trước đó.

–     Theo Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 của Việt Nam, nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Tuy có sự khác nhau trong cách định nghĩa thuật ngữ “nhãn hiệu nổi tiếng” ở các quốc gia khác nhau, nhưng căn cứ vào cơ sở tổng hợp các quan điểm khác nhau từ các hệ thống pháp luât khác nhau, có thể đưa một định nghĩa chung nhất về nhãn hiệu nổi tiếng như sau: Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được biết đến một cách rộng rãi bởi nhiều người trong những phạm vi lãnh thổ nhất định, hoặc được xem xét, thừa nhận bởi các cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia nơi nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ hay được sử dụng. Tuy nhiên, đây chưa phải là cách hiểu duy nhất và cuối cùng đối với khái niệm này.

Liên hệ đăng ký trực tuyến để được hướng dẫn chi tiết bằng cách gửi email tới shtt@brislaw.com hoặc gọi điện tới số điện thoại 0967826444

Hoặc đăng ký trực tuyến – Tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *