Vi phạm nhãn hiệu và xử lý vi phạm nhãn hiệu

Bài viết sau của Bris Law sẽ cung cấp cho bạn các vấn đề cơ bản về vi phạm nhãn hiệu và xử lý vi phạm nhãn hiệu.

Quá trình công nghiệp hóa nền kinh tế đã thúc đẩy quá trình sản xuất của các doanh nghiệp cùng cạnh tranh với nhau để đưa hàng hóa ra thị trường với số lượng ngày càng nhiều với phạm vi bao phủ rộng và đa dạng về chủng loại. Trong điều kiện kinh tế thị trường, xu thế thương mại hóa quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng thì việc xuất hiện của nhiều mặt hàng và dịch vụ của các doanh nghiệp trong và ngoài nước là một điều tất yếu.

Với bối cảnh trên, thì người tiêu dùng có quyền lợi được cung cấp các thông tin về sản phẩm, dịch vụ để họ có thể chủ động trong việc nhận biết, phân biệt hàng hoá của đơn vị sản xuất, dịch vụ này với đợn vị sản xuất, cung cấp dịch vụ khác. Trên thực tế một đại bộ phận lớn người tiêu dùng đang là những nạn nhân của các hàng hóa và dịch vụ không đảm bảo chất lượng và nguồn gốc rõ ràng, điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và sụt giảm niềm tin của người tiêu dùng đến doanh nghiệp  và các cơ quan chức năng liên quan. Vì vậy, hàng hóa cần được đặt tên hay nhận diện bằng các nhãn hiệu riêng biệt.  

Hiện nay hệ thống văn bản điều chỉnh trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (SHTT) với các văn bản trong nước bao gồm có: Hiến pháp năm 2013; Bộ Luật dân sự 2005 tại phần thứ sáu quy định về Quyền SHTT và Chuyển giao công nghệ; Luật SHTT 2005; Nghị định hướng dẫn thi hành Luật SHTT của Chính Phủ; Thông tư của các Bộ hướng dẫn chi tiết thi hành về luật SHTT. Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều hành vi xâm phạm gây nhầm lẫn nhãn hiệu này với nhãn hiệu khác, của doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác.

Vậy, hành vi nào bị coi là hành vi nhãn hiệu ?

Những hành vi bị coi là xâm phạm đối với nhãn hiệu được quy định tại khoản 1 điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ như sau :

– Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu đã được bảo hộ, giữa hai nhãn hiệu trùng nhau về sản phẩm dịch vụ;

– Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;

– Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;

– Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.

Tuy nhiên để xác định được nhãn hiệu này có vi phạm với nhãn hiệu khác hay không? Bạn cần phải thực hiện các bước sau đây

Bước 1. Chuẩn bị tài liệu:

      Để có thể tiến hành xử lý hành vi xâm phạm quyền (xử lý vi phạm nhãn hiệu), chủ thể quyền phải cung cấp các tài liệu sau đây:

– 03 Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có chứng thực hợp pháp; hoặc có xác nhận của Cục sở hữu trí tuệ; hoặc Bản sao có chứng thực Hợp đồng license đã được đăng ký tại Cục sở hữu trí tuệ

–  Mẫu nhãn hiệu của bạn và mẫu nhãn hiệu của bên vi phạm;

– Thông tin của bên vi phạm gồm tên công ty, địa điểm kinh doanh hoặc các giấy tờ tài liệu khác.

Bước 2. Giám định sở hữu trí tuệ

       Giám định sở hữu trí tuệ là bước không bắt buộc, nhưng kết luận giám định lại là tài liệu quan trọng trong quá trình xử lý vi phạm và được coi là nguồn chứng cứ để các cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc, kết luận giám định sẽ được coi là chứng cứ chứng minh hai nhãn hiệu có tương tự đến mức gây nhầm lẫn hay không, có sự vi phạm nhãn hiệu hay không.. Do đó, giám định sở hữu trí tuệ là bước nên thực hiện trước khi tiến hành xử lý vi phạm chính thức.

Tài liệu cần thiết cho việc giám định bao gồm:

–   Tờ khai theo mẫu;

–   Tài liệu chứng minh quyền của chủ thể quyền (bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hoặc bản sao giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có xác nhận của Cục sở hữu trí tuệ);

–   Tài liệu chứng minh hành vi xâm phạm của bên bị nghi ngờ (Mẫu nhãn hiệu vi phạm);

Thời hạn để giám định thường nằm trong khoảng từ 7 đến 15 ngày làm việc.

Chi phí giám định (bao gồm phí dịch vụ và lệ phí chính thức): tùy theo vụ việc và thời gian yêu cầu giám định

Đơn vị thực hiện giám định, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ.

Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm nhãn hiệu sẽ bị xử lý như thế nào?

Đối với hành vi xâm phạm này, theo Điều 199 về “Biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ”, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, các biện pháp xử lý vi phạm mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng là biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự. Trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ, biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Việc quyết định áp dụng các biện pháp (chế tài) dân sự, hình sự thuộc thẩm quyền của Tòa án. Các cơ quan còn lại có thẩm quyền áp dụng các biện pháp hành chính; trong đó, ở một số trường hợp có dấu hiệu hình sự, cơ quan Hải quan cũng có thể tham gia giai đoạn điều tra hình sự theo quy định của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 (có hiệu lực từ 01/7/2016).
Thứ nhất, về các biện pháp dân sự:

Theo Điều 202 về “Các biện pháp dân sự”, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, các biện pháp có thể áp dụng với bên vi phạm là: Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm; buộc xin lỗi, cải chính công khai; buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; bồi thường thiệt hại; buộc tiêu huỷ hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.

Thứ hai, về các biện pháp hành chính: 

Các hành vi xâm phạm có thể bị xử phạt hành chính được quy định tại Điều 211 về “Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt hành chính”, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005.
Theo quy định tại Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29-8-2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền; bên cạnh đó, có thể chịu các hình thức xử phạt bổ sung hay bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả (Điều 3 về “Hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả”)

Thứ ba, về biện pháp hình sự:

Biện pháp hình sự chỉ được áp dụng đối với cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự. Quá trình giải quyết trách nhiệm pháp lý đối với chủ thể vi phạm sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *