Cần lưu ý về phạm vi bảo hộ của văn bằng bảo hộ

Tôi đã đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm của mình ở Việt Nam. Tôi muốn xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Vậy nhãn hiệu của tôi ở nước ngoài có được bảo hộ không? Tôi có cần phải đăng ký bảo hộ ở nước ngoài không?

Cảm ơn bạn đã gửi thắc mắc về cho chúng tôi. Để tránh những hiểu lầm về phạm vi bảo hộ của văn bằng bảo hộ, chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Theo Điều 93 Khoản 1 Luật sở hữu trí tuệ hiện hành có quy định rõ: “Văn bằng bảo hộ có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam”. Theo đó, một nhãn hiệu được đăng ký và cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam thì chỉ được bảo họ trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam và không đương nhiên được bảo hộ ở nước ngoài. Để được bảo hộ nhãn hiệu của mình ở nước ngoài, chủ sở hữu nhãn hiệu phải thực hiên thủ tục đăng ký tại cơ quan sở hữu trí tuệ ở nước đó và được chấp nhận bảo hộ.  Ví dụ, nhãn hiệu của bạn đã được Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam thì sẽ được bảo hộ tại Việt Nam chứ không đương nhiên được bảo hộ tại tất cả các nước khác trên thế giới.

Trước khi tiến hành xuất khẩu hàng hóa mang nhãn hiệu vào quốc gia khác, bạn cần quan tâm đến việc đăng ký để bảo vệ nhãn hiệu của mình. Đã từng có nhiều trường hợp nhãn hiệu ở Việt Nam bị vi phạm khi xuất khẩu ra nước ngoài nhưng nhãn hiệu đã bị một đơn vị khác đăng ký bảo hộ với tư cách là chủ sở hữu từ trước, điển hình như trường hợp của cà phê Trung Nguyên, võng xếp Duy Lợi.

Để nhãn hiệu của mình được bảo hộ tại nước nhập khẩu, bạn cần tiến hành thủ tục nộp đơn đăng ký bảo hộ tại nước đó. Thủ tục tại từng nước sẽ khác nhau tùy theo quy định tại nước đó. Sau khi được cơ quan có thẩm quyền tại nước này cấp văn bằng bảo hộ, nhãn hiệu của bạn sẽ được bảo hộ trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia đó.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thủ tục đăng ký quốc tế theo quy định tại Thỏa ước Madrid và Nghị định thư Madrid mà Việt Nam thành viên.

Thỏa ước Madrid và Nghị định thư Madrid là điều ước quốc tế quy định về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa và dịch vụ. Theo đó, khi chủ sở hữu nhãn hiệu muốn nhãn hiệu của mình được bảo hộ, họ có thể nộp đơn quốc tế cho Văn phòng quốc tế của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), trong đơn có chỉ định rõ những nước thành viên của Thỏa ước Madrid/Nghị đinh thư Madrid mà chủ sở hữu nhãn hiệu muốn nhãn hiệu của mình được bảo hộ. Khi đó, nhãn hiệu đó có thể được bảo hộ tại các nước này mà không phải nộp đơn riêng lẻ ở từng quốc gia.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *