Đăng ký kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam mới nhất năm 2021

Đăng ký kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam

Đăng ký kiểu dáng công nghiệp là quy trình bắt buộc của chủ sở hữu để xác minh quyền sở hữu đối với kiểu dáng bên ngoài sản phẩm của chính mình thông qua văn bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp. Bài viết dưới đây Bris Law sẽ hướng dẫn chi tiết quy trình đăng ký kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam. Mời quý bạn đọc theo dõi.

Tại sao cần đăng ký kiểu dáng công nghiệp?

Như chúng ta đã biết, kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm, được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp của các yếu tố trên giúp cho người tiêu dùng phân biệt được các sản phẩm của tổ chức/cá nhân khác nhau. Vậy ngoài chức năng dùng để định hình và phân biệt thì việc đăng ký kiểu dáng công nghiệp có lợi ích gì?

Về mặt pháp lý, Nhà nước có cơ chế bảo hộ đối với các kiểu dáng công nghiệp đã đăng ký, chế tài xử phạt với các hành vi xâm phạm kiểu dáng công nghiệp như sao chép, làm giả, làm nhái,… gây phương hại đến lợi ích của chủ sở hữu. Chế tài áp dụng có thể là xử phạt vi phạm hành chính, dân sự hoặc hình sự tùy vào mức độ nghiêm trọng và thiệt hại do hành vi gây ra. Ngoài ra, bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp sẽ là bằng chứng để chứng minh quyền sở hữu đối với kiểu dáng khi cho tranh chấp, xâm phạm xảy ra.

Về mặt kinh tế, kiểu dáng công nghiệp khác lạ, độc đáo và chưa từng xuất hiện trên thị trường trước đó sẽ luôn thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Ngoài chất lượng sản phẩm thì dáng vẻ bên ngoài của sản phẩm cũng sẽ là một yếu tố quyết định để khách hàng lựa chọn sản phẩm. Nhờ vậy mà việc buôn bán kinh doanh sẽ thuận lợi và phát triển lâu dài. Mặt khác, vì chủ sở hữu sẽ được độc quyền sử dụng đối với kiểu dáng đó, hoặc cho phép người khác sử dụng để thu phí hoặc chuyển nhượng đối với kiểu dáng công nghiệp. Khi ấy kiểu dáng công nghiệp chở thành hàng hóa mang lại lợi nhuận cho chủ sở hữu.

Điều kiện chung đối với kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ

Kiểu dáng công nghiệp để được bảo hộ phải đáp ứng điều kiện chung theo quy định tại Điều 63, Điều 65, Điều 66, Điều 67 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2019. Bao gồm:

a) Có tính mới: Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính mới khi chưa được bộc lộ hay công bố trước công chúng. Và kiểu dáng công nghiệp đó phải khác biệt đáng kể với các kiểu dáng đã được bộ lộ trước ngày nộp đơn.

b) Có tính sáng tạo: Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính sáng tạo nếu căn cứ vào các kiểu dáng công nghiệp đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên, kiểu dáng công nghiệp đó không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng.

c) Có khả năng áp dụng công nghiệp: Kiểu dáng công nghiệp được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể dùng làm mẫu để chế tạo hàng loạt sản phẩm giống nhau có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp đó bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp.

Ai có quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp?

Theo quy định tại Điều 86 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2019 quy định những đối tượng sau có quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp:

  • Tác giả tạo ra sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí bằng công sức và chi phí của mình;
  • Tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác và thỏa thuận đó không trái với quy định pháp luật

Ngoài cá nhân/ tổ chức nêu trên, thì Chính phủ còn quy định quyền đăng ký đối với kiểu dáng công nghiệp được tạo ra do sử dụng cơ sở vật chất – kỹ thuật, kinh phí từ ngân sách nhà nước.

Lưu ý: trong trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân cùng nhau tạo ra hoặc đầu tư để tạo ra kiểu dáng công nghiệp thì các tổ chức, cá nhân đó đều có quyền đăng ký và quyền đăng ký đó chỉ được thực hiện nếu được tất cả các tổ chức, cá nhân đó đồng ý.

Quy trình đăng ký kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam

Bước 1: Thiết kế kiểu dáng công nghiệp

Trước khi đăng ký, chủ sở hữu phải có bản thiết kế kiểu dáng công nghiệp cho sản phẩm của mình. Yêu cầu đối với kiểu dáng công nghiệp phải là hình khối, màu sắc hoặc sự kết hợp các yếu tố đó để tạo thành kiểu dáng của sản phẩm.

Bước 2: Tra cứu khả năng bảo hộ của kiểu dáng công nghiệp

Giống như khi đăng ký nhãn hiệu, việc tra cứu sơ bộ cũng là bước bắt buộc để đăng ký kiểu dáng công nghiệp. Việc tra cứu sơ bộ sẽ giúp chủ sở hữu đánh giá được khả năng đăng ký bảo hộ của kiểu dáng công nghiệp đó.

Nguồn tra cứu:+ Cơ sở dữ liệu của Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam

                        + Cơ sở dữ liệu thế giới

Cách thức tra cứu: để việc tra cứu dễ dàng hơn thì người nộp đơn cần giới hạn theo các trường tra cứu như phân loại Locarno, theo tên kiểu dáng công nghiệp, theo số đơn, số bằng,…

Bước 3: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký kiểu dáng công nghiệp

Thành phần của bộ hồ sơ bao gồm:

  • Tờ khai yêu cầu cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp (02 bản);
  • Bộ ảnh chụp/Bản vẽ kiểu dáng công nghiệp thể hiện được đầy đủ các hình ảnh góc xem của đối tượng cần đăng ký bảo hộ (04 bộ);
  • Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp (01 bản);
  • Giấy ủy quyền (trong trường hợp nộp đơn thông qua đại diện);
  • Tài liệu chứng minh quyền đăng ký nếu người nộp đơn được hưởng quyền đăng ký của người khác;
  • Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên;
  • Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí.

Bước 4: Nộp hồ sơ

Nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến một trong các địa chỉ sau:

+ Tại Hà Nội: 386 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.

+ Tại thành phố Hồ Chí Minh, địa chỉ: Lầu 7, tòa nhà Hà Phan, 17/19 Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

+ Tại Đà Nẵng: Tầng 3, số 135 Minh Mạng, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.

Hoặc nộp trực tuyến trên cổng dịch vụ công trực tuyến của Cục sở hữu trí tuệ.

Bước 5: Xử lý hồ sơ và nhận kết quả

Thẩm định hình thức đơn

Đây giai đoạn Cục sở hữu trí tuệ xem xét đơn đã đúng hình thức với quy định hay không. Từ đó đưa ra thông báo chấp nhận đơn hợp lệ hoặc thông báo từ chối đơn và nêu lý do để người nộp đơn tiến hành chỉnh sửa, bổ sung.

Thẩm định nội dung đơn

Sau khi có thông báo chấp nhận đơn hợp lệ, đơn đăng ký sẽ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp va bước vào giai đoạn thẩm định nội dung đơn. Đây là giai đoạn xem xét khả năng được bảo hộ của kiểu dáng công nghiệp và xác định phạm vi bảo hộ tương ứng.

Đối với những đối tượng trong hồ sơ không đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết đinh từ chối cấp văn bản bảo hộ và nêu lý do từ chối. Người nộp đơn có thể làm đơn trả lời nêu lập luận lý lẽ để bảo vệ kiểu dáng công nghiệp đang đăng ký, Cục sẽ xem xét lại.

Đối với những đối tượng trong hồ sơ đáp ứng các yêu cầu về bảo hộ, Cục sẽ ra thông báo dự định cấp văn bằng và yêu cầu nộp phí cấp văn bằng. Sau khi tổ chức, cá nhân nộp đơn đã hoàn thành nghĩa vụ nộp phí lệ phí đầy đủ thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ. Sau khi có quyết định, kiểu dáng công nghiệp sẽ được ghi nhận vào Sở đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp và công bố trên Công báo Sở hữu trí tuệ.

Phí, lệ phí đăng ký

Căn cứ tại Thông tư số 22/2009/TT-BTC quy định về mức phí, lệ phí đăng ký kiểu dáng sản phẩm gồm các khoản sau:

+ Lệ phí nộp đơn đăng ký: 150.000 đồng.

+ Lệ phí cấp Văn bằng bảo hộ: 120.000 đồng/1 văn bằng

+ Phí phân loại: 100.000 đồng/mỗi phân loại.

+ Phí thẩm định đơn: 700.000 đồng/1 đối tượng.

+ Phí công bố đơn: 120.000 đồng.

+ Phí công bố từ hình thứ 2 trở đi: 60.000 đồng/1 hình;

+ Phí tra cứu thông tin nhằm phục vụ việc thẩm định: 480.000 đồng/mỗi đối tượng;

+ Phí yêu cầu hưởng quyền ưu tiên (nếu có): 600.000 đồng/mỗi đơn.

Một số câu hỏi thường gặp khi đăng ký

Có yêu cầu gì đối với các ảnh trong bộ ảnh của hồ sơ đăng ký kiểu dáng công nghiệp hay không?

Trả lời: Có, bộ ảnh trong hồ sơ phải đáp đáp ứng được các yêu cầu sau:

+ Có cùng kích thước với nhau

+ Phải cùng chiều, đúng chiều so với ảnh chuẩn

+ Cùng màu sắc so với ảnh chuẩn

+ Có độ tương phản ảnh nền (ví dụ vật màu đen thì ảnh nền là màu trắng để rõ vật)

+ Ảnh sản phẩm không được đổ bóng, bị bóng khi chụp

+ Tất cả các ảnh phải rõ nét, kể cả các chi tiết nhỏ, chữ nhỏ có trên sản phẩm.

+ Có ảnh triển khai sản phẩm hoặc ảnh trạng thái sử dụng của sản phẩm.

Khi nộp hồ sơ qua đường bưu điện thì chuyển tiền cho Cục sở hữu trí tuệ bằng cách nào?

Trả lời: Trường hợp nộp hồ sơ đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp qua bưu điện, người nộp đơn cần chuyển tiền qua dịch vụ của bưu điện. Sau đó photo Giấy biên nhận chuyển tiền gửi kèm theo hồ sơ đơn đến một trong các điểm tiếp nhận đơn nêu trên của Cục Sở hữu trí tuệ để chứng minh khoản tiền đã nộp.

Muốn nộp hồ sơ đăng ký trực tuyến thì điều kiện cần những gì?

Trả lời: Điều kiện để nộp đơn trực tuyến thì người nộp đơn cần có chứng minh thư số và chữ ký số, đăng ký tài khoản trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến và được Cục Sở hữu trí tuệ phê duyệt tài khoản để thực hiện các giao dịch đăng ký quyền SHCN.

Bris Law hi vọng bài viết trên sẽ hữu ích đối với bạn đọc. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về “Quy trình đăng ký kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam”, hãy liên hệ với chúng tôi theo cách thức sau:

Địa chỉ: Hà Nội: Tầng 6, số 207 Nguyễn Ngọc Vũ, Phường Trung Hoà, Quận Cầu Giấy, Hà Nội

Số điện thoại: 096 551 9921

Email: info@brislaw.com

Website: brislaw.com và luatsohuutritue.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *